GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn – Người thầy dạy học trò đam mê nghiên cứu khoa học

GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn – Người thầy dạy học trò đam mê nghiên cứu khoa học

        GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn bắt đầu vào học Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên ngày nay) vào năm 1954. Sau khi thi đỗ chứng chỉ lý hóa sinh PCB và chứng chỉ khoa học lý hóa và tự nhiên SPCN, ông xin vào phòng hóa học của trường làm nghiệm chế viên năm 1955.

        Nhiệm vụ của ông lúc đó là lau rửa chai lọ thí nghiệm, vệ sinh các cân phân tích, bàn thí nghiệm, chuẩn bị và làm một số thí nghiệm hóa học minh họa trong khi thầy đứng trên bục giảng dạy lý thuyết. Ba năm liên tiếp sau đó, ông đỗ cử nhân lý hóa năm 1957, cử nhân toán năm 1958, soạn luận văn cao học từ năm 1957 để bảo vệ năm 1959 và ngay sau đó đi làm nghiên cứu sinh tại Mỹ.

        Từ cuối 1962, ông cũng bắt đầu đứng lớp giảng dạy hóa học năm thứ nhất đại học và sau đó là một số môn học khác ở các năm tiếp theo, ông cũng được mời giảng dạy ở nhiều trường khác. Ông bắt đầu nhận học trò soạn cao học, tiến sĩ đệ tam cấp (hệ Pháp) và sau giải phóng, hướng dẫn soạn luận văn tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, luận án phó tiến sĩ (bây giờ là luận án tiến sĩ). Nghiên cứu sinh đầu tiên bảo vệ luận án phó tiến sĩ hóa học ở miền Nam cũng là học trò của ông.

        GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn chưa bao giờ rời chuyên môn, rời giảng dạy, cho dù được giao phụ trách quản lý Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm, cho dù đảm nhiệm suốt ba nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội, ông vẫn dành thời gian đứng lớp, không ngừng tự trau dồi kiến thức, không ngừng hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh, tham dự và đọc báo cáo ở một số hội nghị về hóa học trong và ngoài nước.

        Ông nói: “Đối với các em hướng dẫn nghiên cứu, tôi chăm sóc họ rất kỹ, theo dõi rất sát công việc làm, không những về chuyên môn mà còn về đạo đức của người làm khoa học, siêng năng, cần mẫn, sáng tạo, có tinh thần thực sự hợp tác, luôn trung thực với chính mình trong nghiên cứu”. Ông sẵn sàng trao đổi, giải thích, sửa rất kỹ báo cáo khoa học, luận án, ngồi đọc đến 1 – 2 giờ khuya là chuyện bình thường để đến sáng kịp trao đổi lại với tác giả.

        Cuộc sống của ông mấy chục năm qua gắn rất chặt với phòng thí nghiệm, với đội ngũ khoa học trẻ mà ông chăm sóc và sát cánh với họ trong nghiên cứu, trong nhiệm vụ phân tích kiểm nghiệm phục vụ sản xuất và đời sống. Những lúc thành phố có vấn đề về an toàn thực phẩm là ông cùng đồng nghiệp ở Công ty dịch vụ khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng vào cuộc rất sớm (trường hợp sữa nhiễm melamin, thực phẩm nhiễm DEHP, cá ba sa nhiễm chất diệt cỏ trifluralin, tôm nhiễm chất bảo quản ethoxyquin…).

        Những giáo trình GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn giảng dạy ở Trường đại học khoa học tự nhiên tuy mang tính cơ bản nhưng luôn luôn lồng vào những thí dụ cụ thể của cuộc sống hàng ngày mà ông phải đối mặt, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tính an toàn của thực phẩm, của môi trường sống. Những nội dung ông hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh mang tính cơ bản nhưng lại rất gần thực tế.

        Chẳng hạn như khi hướng dẫn một nghiên cứu sinh xây dựng phương pháp kiểm nghiệm chất tăng trọng bị cấm clenbuterol và salbutamol trong thịt heo gà và thức ăn chăn nuôi, về khoa học cơ bản đã có hai báo cáo, một về phương pháp kiểm nghiệm clenbuterol bằng kỹ thuật sắc ký lỏng ghép khối phổ HPLC-MS, được trình bày tại Hội nghị quốc tế lần thứ 12 ở Kuala Lumpur, Malaysia, do Hiệp hội các hội hóa học châu Á tổ chức năm 2007; một về phân tích clenbuterol bằng kỹ thuật sắc ký lỏng ghép hai lần khối phổ HPLC-MS/MS ở Hội nghị chuyên đề về phân tích bằng khối phổ ASMS lần thứ 56 tại Denver, Colorado, Mỹ năm 2008.

        Sau đó là các bài báo về phân tích clenbuterol và salbutamol trong tạp chí khoa học. Luận án không ngừng ở giai đoạn cơ bản xây dựng phương pháp kiểm nghiệm (đã được Tổ chức VILAS công nhận), mà còn tiến thêm một bước nữa về mặt thực tế là nghiên cứu sinh đã kết hợp với Trường đại học Cần Thơ để nuôi gà và heo với thức ăn có chứa hai chất nêu trên, đánh giá mức độ tăng trọng, xác định được gan và thận gà heo là những nơi tích lũy độc chất nhiều nhất.

        Khi nghiên cứu quy trình chế tạo nước tương không bị nhiễm độc chất 3-MCPD, nghiên cứu sinh đã phải trải qua thời gian dài để tìm hiểu cơ chế tạo thành độc chất này trong quá trình nấu, các biện pháp khắc phục về mặt cơ bản để cuối cùng xác định được những điều kiện thực tế để nước tương đạt chuẩn tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Quy trình đã được chuyển nhượng cho 26 công ty, xí nghiệp sản xuất nước tương vào lúc gay cấn nhất, khi các xí nghiệp này phải ngưng sản xuất do nước tương bị nhiễm nặng 3-MCPD.

        Gần đây, qua hướng dẫn nghiên cứu về tinh dầu lá trầu, ông và học trò của mình đã biết vào tháng nào lá cho tinh dầu nhiều nhất và mùa nào tinh dầu đạt được chất lượng tốt nhất, cũng như các cách xử lý để tinh dầu có tính kháng oxy hóa và kháng khuẩn mạnh nhất. Từ đó, nghiên cứu sinh đã chế tạo được một số sản phẩm như dầu gió, nước súc miệng sau khi đã thử nghiệm đạt kết quả tốt. Quy trình công nghệ đã được chuyển nhượng cho một công ty mỹ phẩm.

        Đi xa hơn nữa, nghiên cứu này đã phát hiện ra một điều rất quan trọng và lý thú: với độ pha loãng 20.000 lần, tinh dầu lá trầu đã được nâng cao thêm khả năng kháng vi sinh vật, bất hoạt được siêu vi khuẩn tay chân miệng EV71.

        Trong một phiên họp vừa qua, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng một chương trình nghiên cứu triển khai nhằm ổn định chất lượng tinh dầu trầu, quy trình sản xuất công nghiệp, phối hợp với khoa đông y, Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh để thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng đối với bệnh tay chân miệng, phối hợp với Công ty cổ phần dược phẩm OPC để điều chế thuốc, và dự kiến mời Trung tâm công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh phụ trách chuyên đề bảo tồn nguồn gen, giống, phát triển quy trình canh tác trầu Bà Điểm, Hóc Môn tại trung tâm và trong dân gian.

        Kết quả các nghiên cứu trên đều được báo cáo trên các tạp chí được công nhận, ở các hội nghị trong và ngoài nước theo yêu cầu của luận án tiến sĩ. GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn nói: “Cũng như các thầy cô ở các trường đại học và viện nghiên cứu, chúng tôi cũng phải cố gắng để không bị lỗi hẹn với các nhà khoa học thế giới, nhưng đối với tôi, điều quan tâm nhiều nhất là nhất định không được lỗi hẹn với dân tộc, với đất nước của mình. Và đó là điều tôi luôn luôn muốn tâm tình với học trò và với những thế hệ khoa học đàn em Việt Nam của hôm nay và ngày mai”.

        Nói về ngày Nhà giáo Việt Nam, GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn tâm sự: “Suốt quá trình học trong nước và sau đó làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, tôi luôn luôn nhớ và biết ơn các thầy cô đã đào tạo, hun đúc tôi từ tiểu học đến trung học và đại học để sau đó tôi được tiếp tục sự nghiệp của một thầy giáo đại học.

        Những kỷ niệm sâu đậm tôi luôn giữ là ở năm thứ nhất khi bỡ ngỡ bước chân vào đại học; tôi luôn luôn ghi khắc trong tim hình ảnh các thầy tôi là GS. Nguyễn Thanh Khuyến, GS. Nguyễn Chung Tú, cố GS. Mai Trần Ngọc Tiếng, thầy Huỳnh Công Cẩn đã dẫn dắt tôi mày mò làm thực tập lý, hóa và sinh học trên những máy móc mà tôi chưa từng thấy ở trung học, hay cầm tay tôi chỉ dẫn thực hiện những phản ứng hóa học, giúp tôi khám phá những bí ẩn của sự sống động – thực vật.

        Rất nhiều thầy Việt Nam và Pháp của tôi đã không còn nữa, nhưng tôi tin chắc rằng những thế hệ học trò các thầy đã đào tạo vẫn luôn luôn nhớ đến công ơn các thầy”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *