DA – PHÉP THỬ CƠ LÝ – XÁC ĐỊNH ĐỘ DÀY

DA – PHÉP THỬ CƠ LÝ – XÁC ĐỊNH ĐỘ DÀY

Leather – Physical and mechanical tests – Determination of thickness

Lời nói đầu

TCVN 7118 : 2007 thay thế TCVN 7118 : 2002

TCVN 7118 : 2007 hoàn toàn tương đương ISO 2589 : 2002

TCVN 7118 : 2007 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn TCVN/TC 120 Sản phẩm da biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

DA – PHÉP THỬ CƠ LÝ – XÁC ĐỊNH ĐỘ DÀY

Leather – Physical and mechanical tests – Determination of thickness

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này qui định phương pháp xác định độ dày của da. Tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả các loại da không kể được thuộc bằng cách nào. Phép đo này áp dụng cho cả da nguyên con lẫn mẫu thử.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm ban hành thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm ban hành thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.

TCVN 7115 : 2007 (ISO 2419 : 2006), Da – Phép thử cơ lý – Chuẩn bị và ổn định mẫu thử.

TCVN 7117 : 2007 (ISO 2418 : 2002), Da – Phép thử hóa học, cơ lý và độ bền màu – Vị trí lấy mẫu.

3. Nguyên tắc

Da được đặt trên máy đo dưới tải trọng qui định trong khoảng thời gian nhất định và độ dày của da được đọc trực tiếp trên máy.

4. Thiết bị, dụng cụ

4.1. Máy thử, gồm có:

4.1.1. Đồng hồ đo, được chia độ trên toàn bộ chiều dài của thang đo để đọc trực tiếp đến 0,01 mm với độ chính xác ± 0,02 mm.

4.1.2. Đe, gồm có mặt phẳng nằm ngang của một hình trụ có đường kính 10,00 mm ± 0,05 mm nhô lên 3,0 mm ± 0,1 mm trên bề mặt của một bệ phẳng tròn đồng tâm có đường kính 50,00 mm ± 0,2 mm.

CHÚ THÍCH: Bệ tròn đường kính 50mm giúp để đỡ da có khối lượng trung bình, nếu không nó có thể có bề mặt lồi so với chân ấn. Đe nhô cao 3 mm phía trên đế để tránh các sai số khi đo các mẫu da nặng không phẳng.

4.1.3. Chân ấn, có bề mặt tròn, phẳng đường kính 10,0 mm ± 0,05 mm, đồng trục với đe và có thể chuyển động vuông góc với mặt đe. Các bề mặt tiếp xúc của đe và chân ấn phải chịu tải trọng tĩnh là 393 g ± 10 g. Sự chuyển động của chân ấn phải đưa ra được số đo trực tiếp của sự di chuyển trên đồng hồ đo (4.1.1).

CHÚ THÍCH: Tải trọng và kích thước đưa ra trong 4.1.3 sinh ra áp suất là 49.1 kPa (500 g/cm3)

4.1.4. Chân đế cứng, để giữ đồng hồ đo (4.1.1), đe (4.1.2) và chân ấn (4.1.3).

5. Lấy mẫu và chuẩn bị mẫu

5.1. Mẫu thử chính phù hợp với TCVN 7117 : 2007 (ISO 2418 : 2002). Tiến hành 5 phép đo phân bố dọc theo mẫu thử.

5.2. Mẫu thử được chuẩn bị cho các phép thử khác. Tiến hành 3 phép đo, phân bố dọc theo mẫu thử.

5.3. Mẫu thử không biết nguồn gốc. Tiến hành 5 phép đo, phân bố dọc theo mẫu thử.

5.4. Đối với da rất nặng và cứng, nên lấy mẫu nhỏ hơn để tránh mẫu bị cong. Tiến hành 3 phép đo, phân bố dọc theo mẫu thử.

5.5. Đối với da nguyên con, tiến hành 5 phép đo cho mỗi vị trí.

Điều hòa tất cả các mẫu theo TCVN 7115 : 2007 (ISO 2419 : 2006)

6. Cách tiến hành

Đặt thiết bị thử lên bề mặt phẳng và nằm ngang. Đặt mẫu thử vào trong đồng hồ đo với mặt cật hướng lên trên, nếu có thể nhận biết được. Nếu không thể nhận biết được mặt cật thì đặt mẫu thử vào đồng hồ đo với bất kỳ hướng lên trên. Áp tải trọng một cách từ từ và ghi lại độ dày ở 5 s ± 1 s sau khi đạt đủ tải trọng.

7. Biểu thị kết quả

Kết quả phải được biểu thị dưới dạng giá trị trung bình số học với độ chính xác đến 0,01 mm

8. Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau:

a) viện dẫn tiêu chuẩn này;

b) kết quả thu được biểu thị chính xác đến 0,01 mm;

c) môi trường chuẩn sử dụng để ổn định và thử như trong TCVN 7115 : 2007 (ISO 2419 : 2006) (nghĩa là 200C/65% độ ẩm tương đối, hoặc 230C/50% độ ẩm tương đối);

d) bất kỳ sai lệch nào so với phương pháp qui định trong tiêu chuẩn này;

e) các chi tiết để nhận dạng mẫu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *