Quản lý chặt sản phẩm thuốc thú y

Quản lý chặt sản phẩm thuốc thú y

  • Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo sẽ tổng rà soát để từng bước loại dần số lượng danh mục thuốc thú y. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu nguyên liệu thuốc thú y cũng sẽ bị siết chặt lại.
  • Thông điệp này được đưa ra, dự báo một cuộc “thanh trừng” mạnh mẽ, để thanh lọc thị trường vật tư thú y vốn đang còn nhiều “điểm đen” …
  • Năm 2016, hơn 1.000 sản phẩm thuốc thú y bị gạt khỏi danh mục thì nửa đầu năm 2017, đã có gần 800 sản phẩm khác được cấp phép lưu hành.
  • Trong số các sản phẩm vật tư ngành nông nghiệp, hiện nay hầu hết đang chuyển sang cơ chế quản lí theo quy chuẩn, nhưng hai nhóm sản phẩm gồm thuốc BVTV và thuốc thú y thì vẫn đang duy trì việc quản lí theo danh mục.
  • Nếu như thuốc BVTV hiện nay có tới hơn 4.000 tên thương phẩm, thì thuốc thú y còn khủng khiếp hơn nhiều. Theo báo cáo của Cục Thú y, hiện đã có tới 10.372 sản phẩm thuốc thú y được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Trong đó có 7.326 sản phẩm thuốc SX trong nước; 3.046 sản phẩm thuốc NK. Bên cạnh đó, cả nước đang có 1.033 sản phẩm thuốc thú y thủy sản đã được đăng ký lưu hành, gồm 863 sản phẩm thuốc SX trong nước và 170 sản phẩm thuốc NK.
  • Trong chiến lược từng bước kiểm soát dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, từ năm 2015 đến nay, Bộ NN-PTNT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn triệt để hóa chất, kháng sinh cấm, đồng thời từng bước kiểm soát việc lạm dụng sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
  • Một số trong những động thái đó là tăng cường kiểm soát nguyên liệu thuốc thú y NK; cấm sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi; đồng thời cắt giảm dần số lượng thuốc trong danh mục thuốc thú y. Tuy nhiên những bước đi đó là chưa đủ! Một danh mục thuốc dài dằng dặc, trong đó có những loại thuốc thú y thực ra đã không còn được doanh nghiệp SX, không đưa ra thị trường, tức là đã “khai tử” nhưng chưa phải đã đưa hết ra khỏi danh mục.
  • Cục Thú y biết năm 2016, Cục đã rà soát đưa ra khỏi Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành 1.052 sản phẩm (gồm 262 sản phẩm đã ngừng SX, nhập khẩu; 790 sản phẩm thuốc thú y của các cơ sở SX thuốc thú y chưa có dây chuyền SX đạt chuẩn GMP và quy định khác).
  • Tuy nhiên cũng theo Cục này, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017, Cục đã tiếp nhận và thẩm định 1.044 hồ sơ của các cơ sở đăng ký lưu hành thuốc thú y, trong đó đã cấp 780 giấy chứng nhận lưu hành thuốc (trong đó có 212 sản phẩm NK và 568 sản phẩm SX trong nước).
  • Điều này có nghĩa, cùng với việc cắt giảm hơn 1.000 sản phẩm thuốc, thì Cục cũng đồng thời cấp mới thêm gần 800 sản phẩm thuốc khác. Đáng nói là hơn 1.000 sản phẩm thuốc bị cắt giảm trong danh mục lại đều là thuốc đã được các DN ngừng SX hoặc ngừng NK, hoặc dây chuyền SX không đạt tiêu chuẩn quy định chứ không có sản phẩm nào đang lưu hành thương mại bị đưa khỏi danh mục, vì thế việc cắt khỏi danh mục là chuyện đương nhiên và không có nhiều ý nghĩa.
  • Làm việc với Cục Thú y về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Việc từng bước cắt giảm dần số lượng sản phẩm thuốc thú y không chỉ dừng lại ở việc đưa khỏi danh mục những sản phẩm SX không đạt tiêu chuẩn, không còn nhu cầu sử dụng hoặc hiệu quả thấp, mà còn phải tiến tới rà soát để cắt giảm những loại thuốc có tồn dư gây nguy cơ cao cho sức khỏe con người, các sản phẩm mà nước ngoài, nhất là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo hạn chế sử dụng.
  • Theo đó từ nay đến cuối năm 2017, Cục Thú y phải có kế hoạch tổng rà soát lại Danh mục thuốc thú y để lên chiến lược cắt giảm dần. Đồng thời, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với Bộ Y tế để rà soát, phân loại các nhóm kháng sinh chỉ sử dụng trong y tế; nhóm kháng sinh chỉ sử dụng trong thú y và nhóm kháng sinh vừa sử dụng trong y tế, vừa sử dụng trong thú y.
  • Trên cơ sở đó, Bộ từng bước kiểm soát và hạn chế dần đối với nhóm kháng sinh vừa sử dụng trong y tế, vừa sử dụng trong thú y, nhất là những loại kháng sinh đang sử dụng hiệu quả trên người thì hạn chế tối đa sử dụng trong thú y nhằm góp phần vào chương trình phòng chống kháng thuốc trong lĩnh vực y tế hiện nay.

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *